Trường trung học phổ thông
NGUYỄN ĐÁNG

Lịch sử thành lập trường

Huyện Càng Long là một trong chín huyện – thị xã – thành phố Trà Vinh. Diện tích tự nhiên 30009,8 ha, dân số khoảng 143 ngàn người có 14 xã thị trấn. Nhân dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp (khoảng 80%) có truyền thống hiếu học và cần cù lao động.

Trước những năm 1967 huyện Càng Long chỉ có vài trường Tiểu Học không có trường Trung Học. Học sinh muốn học Trung học thì phải xuống tỉnh lỵ Trà Vinh hoặc lên Vũng Liêm – Vĩnh Long; Do vậy người dân rất mong muốn có ngôi trường Trung học để con em thuận lợi trong việc học hành. Trước tình hình đó năm 1967 một nhóm giáo viên và những người có tâm huyết với giáo dục và đào tạo đề xuất và đứng ra thành lập trường Trung học tỉnh hạt Càng Long. Trường tọa lạc tại ấp Mỹ Huê xã Mỹ Cẩm huyện Càng Long (nay là khóm V thị trấn Càng Long). Năm học đầu tiên (1967-1968) trường có 2 phòng học với 4 lớp cấp II (6,7,8,9). Đến năm 1974-1975 nhà trường dạy đủ các lớp từ lớp 6 (đệ thất) đến lớp 12 (đệ nhất). Trong thời kỳ này có rất nhiều học sinh vừa học tập vừa tham gia cách mạng, tham gia đấu tranh chống bắt lính, chống đàn áp phong trào cách mạng, làm giao liên cho cách mạng, tiêu biểu như: Lê Văn Út nay là thiếu tướng giám đốc công an Vĩnh Long, Phạm Văn Chua – thiếu tướng – chính ủy Quân khu 9, Nguyễn Minh Thương – nguyên bí thư huyện ủy Càng Long, Lê Quốc Long – nguyên bí thư huyện ủy Càng Long, Phan Hải – nguyên chủ tịch UBND thị xã Trà Vinh nguyên thường trực HĐND tỉnh Trà Vinh. Đoàn Thanh Liêm – nguyên hiệu trưởng trường phổ thông cấp I, II A Mỹ Cẩm …

Thời kỳ này quý thầy cô đã tận tụy hết lòng vì sự nghiệp trồng người, vừa chăm lo xây dựng phát triển nhà trường, vừa học tập nghiên cứu giảng dạy đạt hiệu quả cao nhất. Tiêu biểu có các thầy cô: Nguyễn Quốc Cường – Hiệu trưởng từ năm 1967 đến 1973, nay thầy sinh hoạt tại hội cựu chiến binh xã Phước Hảo huyện Châu Thành; thầy Võ Anh Kiệt hiệu trưởng năm 1973-1974 hiện nay là cán bộ hưu trí sinh sống tại khóm 5 thị trấn Càng Long; thầy Lâm Tấn Phát hiệu trưởng năm 1974-1975, sau giải phóng là hiệu trưởng cấp 3 thị xã Trà Vinh, hiệu trưởng trường TH Chuyên Trà Vinh, phó hiệu trưởng Đại học Trà Vinh, nay nghỉ hưu tại phường 1 thành phố Trà Vinh và các thầy cô Thạch Sô Phatte, Nguyễn Xuân Triển, Nguyễn Văn Thông, Tăng Thường, Đỗ Hoàng, …

Tháng 4 năm 1975 niềm Nam được giải phóng thống nhất đất nước. Nền giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục Càng Long nói riêng chuyển sang một trang sử mới; Do đặc điểm tình hình mới, trường Trung học tỉnh hạt Càng Long chuyển thành trường Phổ thông cấp II Thái Bình chỉ dạy các lớp từ lớp 6 đến lớp 9. Học sinh từ lớp 10 đến 12 chuyển về học ở cấp III Vũng Liêm hoặc cấp III Thị xã Trà Vinh. Đến năm 1977 do nhu cầu cao của con em nhân dân trong việc tiếp tục học tập các lớp cấp III, Ty giáo dục Cửu Long, Huyện ủy, UBND huyện Càng Long quyết định thành lập trường cấp III Càng Long trên cơ sở trường Phổ thông cấp II Thái Bình, giải tán trường Phổ thông cấp II Thái Bình nhập vào trường Phổ thông cấp I A Mỹ Cẩm thành trường Phổ thông cấp I, II A Mỹ Cẩm. Trong thời gian này Ty giáo dục Cửu Long điều thầy Huỳnh Hổ (nay là phó hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo, hiệu trưởng trường năng khiếu Tân Tạo) và thầy Dương Tam (nay nghỉ hưu tại thị trấn Vũng Liêm) và một số thầy cô từ trường cấp III Vũng Liêm đảm nhiệm xây dựng và phát triển trường phổ thông cấp III Càng Long cho đến ngày nay.  Từ năm 1977 cho đến nay nhà trường đã trải qua 5 lần mở rộng, di dời địa điểm của trường và 5 lần đổi tên trường. Năm 1980 mở rộng diện tích (khu vực THCS Thái Bình hiện nay). Năm 1985 mở rộng thêm dãy nhà cây cạnh trường THCS Thái Bình hiện nay, năm 1991 mở rộng thêm 10 phòng học tạm thời cạnh sân vận động Càng Long (trong diện tích Trung tâm hướng nghiệp – GDTX và dạy nghề Càng Long hiện nay) và năm 1997 dời về vị trí hiện nay (khóm 6 thị trấn Càng Long với diện tích 10000 m2 và năm 2009 mở rộng thêm 3000 m2 nữa ở phía sau, nâng tổng số diện tích là 13000 m2 đạt đủ diện tích theo quy định của Bộ giáo dục. Về tên gọi từ năm 1977 đến năm 1985 là trường phổ thông cấp III Càng Long. Từ năm 1985 đến năm 1991 là trường Phổ thông trung học Càng Long. Từ năm 1991 đến năm 1995 là trường Phổ thông cấp II, III Càng Long. Năm 1995 nhà trường được đổi tên thành trường Phổ thông trung học Nguyễn Đáng. Đến năm 1998 tách cấp II thành lập trường trung học cơ sở thị trấn Càng Long – nay là trường THCS Thái Bình. Trường Phổ thông trung học Nguyễn Đáng được duy trì và phát triển đến năm 2005 được đổi tên thành trường trung học phổ thông Nguyễn Đáng cho đến nay.

Những ngày đầu thành lập trường cấp III Càng Long, tình hình kinh tế - xã hội rất khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp nghèo nàn, tạm bợ. Khóa đầu tiên nhà trường tuyển được 3 lớp gồm 1 lớp 11 và 2 lớp 10. Sang năm thứ hai (1978-1979) có 5 lớp gồm 1 lớp 12, 2 lớp 11 và thi tuyển được 3 lớp 10.

Tuy khó khăn, thiếu thốn mọi bề là thế, nhưng lòng yêu nghề, tận tụy với nghề của quý thầy cô giáo đặc biệt là thầy Huỳnh Hổ hiệu trưởng nhà trường và lòng hiếu học say mê học tập của học sinh đã tạo nên kết quả tốt đẹp bước đầu, tỷ lệ tốt nghiệp cấp III đạt  100% (63/63). Nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học như bác sĩ Tình, bác sĩ Quới, bác sĩ Nhanh, kỹ sư Luân, kỹ sư Việt, kỹ sư Tỏ, … Với sự phấn đấu vươn lên không mệt mỏi, đến năm học 1986-1987 nhà trường được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ luân lưu là đơn vị thi đua xuất săc nhất. Năm 1999 thầy Huỳnh Hổ được Chủ tịch nước phong tặng nhà giáo ưu tú.

Năm 1988 do nhu cầu phát triển nhà trường mở phân hiệu tại Bình phú – Càng Long đến tháng 2 năm 1988 UBND tỉnh quyết định thành lập trường cấp 3 Bình phú, nay là trường THPT Nguyễn Văn Hai.

Nét nổi bật trong thời gian này của nhà trường là tổ chức dạy hướng nghiệp phân luồng học sinh, trong đó học sinh được học tập nghề nghiệp sư phạm; y tế và nông nghiệp đạt trình độ trung cấp, trong đó hướng nghiệp sư phạm đạt kết quả tốt góp phần đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên đang rất thiếu trong phạm vi toàn tỉnh lúc bấy giờ.

Năm 1991 theo yêu cầu về quy mô trường lớp phát triển đội ngũ trường phổ thông cấp II A Mỹ Cẩm được nhập vào trường Phổ thông cấp III Càng Long. Do đó từ năm 1991 đến năm 2000 trường Phổ thông cấp III Càng Long đảm nhiệm giảng dạy học sinh cấp II và cấp III. Với quy mô số lượng trên 75 lớp gần 3000 học sinh. Một nét nổi bật nữa trong giai đoạn nầy là nhà trường nhận trách nhiệm giảng dạy thí điểm chương trình chuyên ban với ban cơ bản KHTN KHKT và KHXH thành công tốt đẹp, nhiều học sinh đỗ đạt cao, tiếp tục khẳng định vị trí của nhà trường.

Ngày 11/8/1995 nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh quyết định đổi tên trường THPT cấp II-III Càng Long thành trường THPT Nguyễn Đáng. Sau đó năm 2005 theo luật giáo dục, nhà trường được đổi tên thành trường THPT Nguyễn Đáng cho đến ngày nay.

Trong 50 năm qua, đặc biệt là 40 năm sau giải phóng, nhà trường đã đào tạo được trên 25000 lượt học sinh với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cấp III tốt nghiệp THPT bình quân trên 80%, riêng 10 năm trở lại đây tỷ lệ trên 95%. Trong đó có nhiều năm đỗ tốt nghiệp 100%. Trong 50 năm qua, nhà trường rất tự hào vì đã góp phần tích cực đào tạo đội ngũ giáo viên trong tỉnh, nhất là giáo viên tiểu học … Số thầy cô, cán bộ giáo viên đã từng công tác tại trường hơn 300 người nay một số thầy cô đã về hưu, một số thầy cô về cõi vĩnh hằng, một số thầy cô chuyển đi nơi khác giữ các chức vụ quan trọng như Thạc sĩ Huỳnh Hổ - Phó hiệu trưởng Đại học Tân Tạo, Hiệu trưởng trường năng khiếu Tân Tạo, Thạc sĩ Lê Văn Dờn – PHT Trường Đại học Trà Vinh, Thạc sĩ Nguyễn Thành Nguyện – TUV- Giám đốc sở GD và ĐT Trà Vinh, thầy Lý Đại Hồng – PGĐ sở GD và ĐT Vĩnh Long, thầy Lê Tiến Dũng trưởng phòng GDTrH-Sở GDĐT Trà Vinh, thầy Ngô Quốc Phong- Phó bí thư Đảng ủy xã Đại phước, thầy Nguyễn Quốc Thanh liên đoàn lao động tỉnh Vĩnh Long, …Hiện nay nhà trường có 127 CBGVNV Trà Vinh tiếp tục sự nghiệp trồng người, góp phần xây dựng và phát triển nhà trường.

Trong qua trình phát triển nhiều học sinh đã thành đạt, khẳng định vị trí trong xã hội, là cán bộ lãnh đạo quan trọng, là niềm tự hào của nhà trường như thiếu tướng Lê Văn Út – giám đốc công an Vĩnh Long; Thiếu tướng Phạm Văn Chua- Phó tư lệnh Quân khu 9, Trần Văn Khái – TUV – Giám đốc sở LĐTB XH tỉnh Vĩnh Long; Nguyễn Văn Sáu – Phó giám đốc sở VHTT và Du lịch tỉnh Kiên Giang;  Trần Thanh – PGĐ sở VHTT-TT và Du lịch Trà Vinh; Lê Trai – Viện phó viện kiểm sát nhân dân  tỉnh; Trần Thị Huyền Trân – Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân thành phố Trà Vinh; Nguyễn Văn Ngường – Chánh án tòa án nhân dân thành phố Trà Vinh; Ngô Trung Hậu – Giám đốc Argibank Trà Cú; Phạm Văn Tư – Phó bí thư thường trực huyện ủy Càng Long; Thân Thị Ngọc Kiều – Phó Chủ tịch HĐND huyện Càng Long; Đặng Tấn Tùng – PCT HĐND huyện Càng Long. Nhiều học sinh là sĩ quan cấp cao trong quân đội và công an như đại tá Hồ Văn Tâm – trưởng công an huyện Tiểu Cần,...

Nhiều học sinh có học vị cao là các nhà khoa học như Tiến sĩ Huỳnh Kim Hường – Phó trưởng khoa Nông nghiệp – Thủy sản Đại học Trà Vinh; tiến sĩ Nguyễn Văn Kịch – giảng viên trường Cao đẳng Hàng Hải TPHCM; Tiến sĩ Nguyễn Huy Thông – Hiệu trưởng trường thực hành sư phạm Trà Vinh; Ts Nguyễn Tấn Thanh – Phòng hành chánh tổng hợp ĐHTV; Phan Quốc Nghĩa – trưởng phòng khảo thí Đại học Trà Vinh, … và còn nhiều, nhiều nữa đã góp phần tô đậm truyền thống hiếu học của quê hương Càng Long anh hùng.

Hơn 50 năm xây dựng và phát triển đặc biệt là giai đoạn sau ngày niềm nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, phong trào thi đua yêu nước được phát động mạnh mẽ, nhà trường đã hưỡng ứng tích cực phong trào thi đua dạy tốt các cuộc vận động của Đảng nhà nước và của ngành như xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Dân chủ-kỹ cương-tình thương-trách nhiệm”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học sáng tạo” và nhất là cuộc vận động “Học tập làm theo tư tưởng- đạo đức-phong cách Hồ Chí Minh” từ năm 2006 đến nay đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh, đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học, giáo dục và đào tạo, đã có rất nhiều gương điển hình tiên tiến được nhà nước phong tặng 2 nhà giáo ưu tú – đó là thầy Huỳnh Hổ - nguyên hiệu trưởng nhà trường và cô Phạm Thị Trâm được phong tặng trong năm 2017 này, thầy Nguyễn Thành Nguyện nguyên hiệu trưởng nhà trường được chủ tịch nước phong tặng huân chương lao động hạng 3. Quý thầy cô Đinh Tuyết Vân, Phạm Thị Trâm, Nguyễn Văn Hòa, Huỳnh Thị Kim Thúy được thủ tướng chính phủ tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng đất nước, 19 lượt cán bộ giáo viên được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh đó là quý thầy cô: Huỳnh Hổ, Lê Văn Dờn, Nguyễn Thành Nguyện – nguyên hiệu trưởng nhà trường, thầy Bùi Văn Phỉ, Nguyễn Văn Hòa, Lý Thị Sen, Phạm Thị Trâm, Lâm Văn Lịnh, Lê Bữu Quang, Đinh Tuyết Vân, Đinh Thi Xuông, Huỳnh Thị Kim Thúy, Đoàn Ngọc Nguyền, Đoàn Văn Thắng, Nguyễn Minh Đức, Lê Thanh Bách, … đã và đang góp phần tô  đậm thành tích nhà trường. Với sự đóng góp xuất sắc của cán bộ giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh tập thể nhà trường không ngừng lớn mạnh đạt được nhiều tích đáng tự hào, trên 20 lượt đạt tập thể lao động xuất sắc đặc biệt năm 1988 n trường được chủ tịch HĐBT nay là Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc.

Năm học 2013 – 2014 trường được BGD & ĐT tặng cờ thi đua đơn vị tiêu biểu xuất sắc. Năm 2015 trường được chọn là trường đại diện cho các đơn vị giáo dục tỉnh Trà Vinh dự đại hội thi đua yêu nước tỉnh Trà Vinh và đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục và đào tạo toàn quốc lần thứ 6 năm 2015. Cho đến nay đã có hàng trăm lượt cán bộ, giáo viên nhận bằng của BGD & ĐT của UBND tỉnh Cửu Long, tỉnh Trà Vinh tặng hoàn thành Xuất sắc nhiệm vụ và khen thưởng cho các chuyên đề. Các đoàn thể nhà trường hoạt động mạnh mẽ hàng năm đều đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Công đoàn được liên đoàn lao động tỉnh Trà Vinh tặng 5 cờ thi đua xuất sắc, nhiều bằng khen vững mạnh xuất sắc của tổng liên đoàn lao động việt nam, liên đoàn lao động trà vinh và công  đoàn giáo dục Việt Nam.

Đoàn thanh niên hàng năm đều đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ - đạt vững mạnh xuất sắc được trung ương đoàn tặng 5 cờ thi đua vào các năm: 1997-1998, 1999, 2000, 2001 và nhiều bằng khen của trung ương đoàn tỉnh đoàn Trà Vinh.

Với những thế mạnh nhà trường đã đạt được cùng với truyền thống hiếu học của quê hương Càng Long anh hùng, với sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sâu sắc của Sở Giáo Dục và Đào tạo, huyện ủy, UBND huyện Càng Long, các đoàn thể địa phương, hội cha mẹ học sinh, sự quyết tâm của thầy cô giáo, CBGV và học sinh nhà trường với tình cảm đặc biệt của các thế hệ học sinh của trường phát  huy mạnh  mẽ phong trào dạy tốt – học tốt thực hiện thắng lợi nghị quyết 29 của  BCHTN khóa 11 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Nhà trường  thật sự trở thành trung tâm văn hóa xã hội , khoa học kỹ thuật là trung tâm đào tạo chất lượng cao của huyện càng long, của huyện Càng Long Anh hùng nói riêng, góp phần đắc lực công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và phát triển nông thôn mới. Trước mắt từ nay đến năm 2020 tầm nhìn 2030 xây dựng nhà trường đạt chuẩn quốc gia.

.